Theo dõi chúng tôi trên
Wabisabi bắt nguồn từ Phật giáo tiểu thừa, trong tam pháp ấn có:
1. Chư hành vô thường
2. Chư pháp vô ngã
3. Niết bàn tịch tĩnh
Wabi nghĩa đen là xa cách bụi trần, ẩn cư cô tịch, thoát tục. Sabi nghĩa đen là lạnh lẽo, thiếu thốn, xơ xác. Wabisabi ảnh hưởng đến văn hóa phương Đông, đặc biệt ở Nhật Bản cũng lớn như giá trị chủ nghĩa hoàn mỹ của Cổ Hy Lạp ảnh hưởng tới giá trị văn hóa của châu Âu.
Wabisabi miêu tả một vẻ đẹp không tròn trịa, ngắn ngủi (khoảnh khắc), tàn khuyết, không mong cầu, không hoa lệ, trí tuệ mà không phô trương, nhẹ nhàng mà sâu sắc, thong dong, buông xả. Thực tế ngay tại Nhật cũng rất nhiều người không hiểu rõ ý nghĩa thật của Wabisabi. Bởi Wabisabi là một phạm trù không thể định nghĩa, chỉ có thể thông qua hình ảnh, ngôn từ, và các công cụ biểu đạt khác truyền đạt cho người cảm nhận, từ đó cảm nhận ra.
Wabisabi có thể được dịch là “thiền tịch”. Trong ngôn từ hiện nay có thể dùng: chất phác, mộc mạc, tĩnh mịch, khiêm tốn, tự nhiên… Tuy nhiên do nhiều nguyên nhân, trong đó nhiều tại liệu được dịch qua lại sang tiếng Anh không thể hiện được hết các tầng ý của Wabisabi nên chúng ta cần đứng từ nhiều góc nhìn để hiểu sâu hơn về bản chất.
Một yếu tố quan trọng trong Wabisabi đó là thời gian. Một vật thể khi mới được sinh ra có thể đẹp có thể xấu, nhưng cái xấu có thể do được trang sức thành đẹp, tuy nhiên trải qua thời gian thì bản chất của nó sẽ lộ ra, và càng qua thời gian thì càng trở nên xấu xí. Tuy nhiên có những sự vật trải qua thời gian ngoài việc lộ ra bản chất mộc mạc đẹp đẽ thuần khiết nhất của nó còn mang thêm sự từng trải của thời gian, mang lại những cảm xúc bồi hồi khó tả nữa. Vậy ở đây thời gian là người bạn hay kẻ thù của cái đẹp? Một tầng ý nghĩa khác của Wabisabi là chú trọng đến vẻ đẹp của khoảng khắc, chứ không phải vĩnh cửu, để người ta biết quý trọng đến giây phút hiện tại.
Về ứng dụng trong thực tế, Wabi chỉ vẻ đẹp của sự mộc mạc đơn giản, thô giáp, không cân xứng, thân thiết gần gũi với tự nhiên (Tre trúc, cỏ, đất, đá, lũa…), Sabi chỉ độ bóng đẹp của thời gian, tức bản chất của mọi sự vật chỉ có thể hiện ra hết qua thời gian, và đây mới là cái đẹp nhất (cái đẹp của bản chất), cái đẹp của Sabi. Tức Wabisabi là tối giản nhất có thể để thể hiện ra bản chất sự vật, nhưng không làm mất đi cái chất, vị của sự vật; sạch sẽ gọn gàng nhất có thể, nhưng không quá mức đến độ lấy đi sức sống của sự vật.
Chia sẻ bài viết: share facebook share twitter share linkedin share instagram

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *