Bạn đã từng nghe đến Bộ ấm trà tử sa? Bạn rất thích uống trà nhưng trà pha bằng ấm thông thường có thực sự chuẩn vị? Có thể nói rằng nếu có 1 Bộ ấm trà tử sa cao cấp trong nhà thì chất lượng trà của bạn sẽ lên 1 tầm cao mới. TITA Art sẽ chứng minh cho bạn thấy sự vi diệu của nó sau bài viết này nhé.
1. Bộ ấm trà tử sa là gì?
Bộ ấm trà tử sa là bộ ấm chén uống trà được làm bằng đất sét nung ở nhiệt độ cao trên 1000oC và không tráng men, có nguồn gốc từ Nghi Hưng, tỉnh Giang Tô thuộc Trung Quốc.
Đây là loại bộ ấm trà được nhiều trà nhân tin dùng vì lịch sử và những tính năng đặc biệt của chúng. Theo ghi chép, ấm trà tử sa được làm từ loại đất sét tím đặc biệt chỉ có tại khu vực này, được nhào nặn thủ công, vô cùng tinh xảo.
Một bộ ấm chén trà tử sa tốt sẽ giúp gia tăng hương vị cho trà do hàm lượng vi khoáng và tính chất đặc trưng của lỗ khí khổng trong chất đất. Đây cũng là điều khiến cho nước trà được pha bằng bộ ấm chén tử sa có mùi vị cũng trở nên độc đáo hơn.

2. Các loại đất sử dụng để làm Bộ Ấm Tử Sa
Đất tử sa để nung đúc các bộ ấm trà tử sa được chia thành 3 loại đất chủ yếu sau, mỗi loại sẽ cho ra màu sắc của ấm và mùi vị trà khác nhau, cùng điểm qua nhé:
Tử Nê: là loại đất có tỷ lệ sắc tím nhiều (từ đỏ tím đến tím) kết hợp với nhiều tinh thể mica màu xanh nhạt. Sau quá trình nung từ 1180oC trở lên, ấm từ đất Tử nê sẽ có màu tím hoặc nâu tím. Đất Tử nê có một số loại đặc trưng như sau: Đế tào Thanh, thanh Thủy Nê và Lão Tử Nê.
- Đất Đế Tào Thanh: loại đất này có màu đặc trưng là màu tím ánh hồng. Trong quặng Đế Tào Thanh có những đốm màu xanh trắng, thường được gọi là “mắt mèo”. Loại đất này có nhiệt độ nung kết cao khoảng 1180oC, dải nhiệt độ nung rộng từ 1150 – 1250oC, độ ổn định tốt, tỷ lệ co ngót nhỏ khoảng 12%. Quặng đất càng già sẽ cho ra nhiều đốm “mắt mèo” hơn. ngoài ra, ấm Tử Sa được làm từ loại đất này sẽ mang tính cổ điển kết hợp với cảm giác hạt mạnh mẽ vô cùng độc lạ.
- Nguyên Khoáng Thanh Thủy Nê: đây là loại khá hiếm và đắt đỏ do là đất không pha trộn chưa qua chế biến. Loại ấm làm từ đất này được nung với nhiệt độ dao động 1150 – 1180oC nên càng dùng lâu thì sẽ ngả sang màu đỏ hồng rất đẹp. Vì thế nó còn có tên là Hồng Tử Nê.
- Lão Tử Nê: các tác phẩm làm từ Lão Tử Nê có bề ngoài và tính chất na ná với ấm Tử Nê thời Minh Thanh. Do lượng AL2O3 trong đất cao hơn nên nhiệt độ nung phù hợp sẽ là 1190oC. Sau khi nung, đất Lão Tử Nê sẽ chuyển từ đỏ sang tím đen, còn có tên gọi là “Hắc Tử Nê”.

Hồng Nê: Nhiệt độ nung là khoảng 1100oC và tỷ lệ co ngót là khoảng 14% so với ban đầu. Loại đất này chủ yếu tồn tại ở 3 nơi: Triệu Trang, Xuyên Phú và Hoàng Long.
Hồng Nê có độ co ngót cao, nhiệt độ thiêu kết thấp và độ kết tinh cao. Các hạt đất mịn và đặc, dễ bóp, kéo nhưng không chịu được va đập mạnh trong quá trình tạo hình. Vì thế mà đất Hồng Nê không thích hợp để tạo ấm lớn.
Đồng thời, do loại đất này dễ bị thiêu kết trong quá trình nung ảnh hưởng đến độ thoáng khí nên thời gian giữ nhiệt lâu hơn so với các loại ấm Tử Sa khác. Đất Hồng Nê có 3 loại phổ biến sau:
- Chu Nê: là loại đất dạng bột cát, rời rạc và tan trong nước. Độ co ngót của đất Chu Nê từ 17 đến 25%. Vì hàm lượng sắt trong Chu Nê cao hơn Hồng Nê nên có nhiều sắc đỏ hơn. Cũng vì có hàm lượng kim loại cao nên ấm thành phẩm sẽ có tiếng đanh kim loại hơn những loại ấm khác.
- Đại Hồng Bào: từ Nguyên khoáng chu nê Hoàng Long Sơn, người ta sẽ lọc lấy được số lượng ít quặng đỏ gọi là Đại Hồng Bào. Loại đất này khi tiếp xúc với nước sẽ dễ ửng đỏ hơn do lượng kim loại trong đất cao.
- Chu Nê Tiểu Môi Diêu: là một loại đất rất hiếm với tỷ lệ co ngót là 30%. Do có lượng bùn cao nên khi nung chảy xong sẽ tạo thành vân chảy trên thành phẩm. Cũng vì chất đất này dễ chảy nên rất ít ấm được nung thành công từ Chu Nê Tiểu Môi Diêu.

Lục Nê: là quặng nguyên khoáng có màu xanh lục nhạt được khai thác ở núi Hoàng Long. Khi nung Lục Nê ở nhiệt độ thấp sẽ có màu vàng tươi, nhiệt độ vừa sẽ cho ra vàng nâu và nhiệt độ cao sẽ có màu đồng ánh lục. Một số loại đất Lục Nê phổ biến là Bổn Sơn Lục Nê, Chi Ma Lục Nê và Mạc Lục Nê.

3. Tiêu chí chọn bộ ấm tử sa
Để vị trà được pha ra đúng sở thích và hợp gu, người uống trà phải có sự cân nhắc rất sâu để chọn ra được bộ ấm tử sa ưng ý. Người mua bộ ấm chén sẽ tử sa thường sẽ phải lưu ý những đặc điểm sau đây:
- Dáng ấm: tùy thuộc vào loại trà bạn muốn uống thì dáng ấm sẽ khác nhau. Khi chọn dáng ấm sẽ phải cân đo được độ nở chính xác, kích thước, mùi hương mạnh hay nhẹ của lá trà. Ví dụ như trà của bạn là những loại mùi mạnh như oolong, đại hồng bào, kim tuấn mi, thiết quan âm và trà búp, dáng ấm của bạn sẽ thấp dưới 5cm (nung ở nhiệt độ cao) để mùi hương được dung hòa hơn. Còn nếu bạn dùng trà phổ nhĩ hay các loại trà đóng bánh thì cân nhắc thân ấm sẽ cao từ 8cm (nung ở nhiệt độ thấp) trở lên. Với kích thước từ 5 đến 8cm (nung ở nhiệt độ cao) sẽ giúp các loại trà xanh, trà vàng và cổ thụ có mùi vị thơm ngon hơn.
- Dung tích: Tùy theo số lượng người uống mà người pha có thể lựa chọn cho mình ấm thích hợp, tránh trường hợp ấm to mà số lượng người uống lại ít thì trà có thể nhanh nguội và không thẩm được hết một ấm trà và ngược lại
- Nắp ấm: câu nói “nồi nào úp vung nấy” từ xưa quả không sai. Một nắp ấm vừa khít với thân và có cùng chất đất sẽ giúp giữ mùi hương và nhiệt độ lâu hơn do không khí không lọt vào bình được.
- Vòi ấm: người uống trà sành điệu không chỉ quan tâm đến hình dáng bên ngoài mà họ cực kì biết thưởng thức dòng chảy của nước trà. Một vòi ấm đúng chất sẽ cho ra những dòng nước nhìn điệu nghệ và tạo cảm giác thoải mái cho người yêu trà.
- Quai ấm: Quai ấm không những phải đạt tỷ lệ cân xứng với thân và vòi ấm mà còn toát ra được vẻ kiêu sa, hỗ trợ việc cầm nắm trở nên quý phái hơn cho chủ ấm trà.
- Lưới lọc bên trong: lựa chọn lưới lọc phải xem lại chất trà của bạn để quá trình thẩm trà diễn ra thoải mái hơn. Nếu là trà nguyên lá thì lưới sẽ thưa, giúp nước trà được lọc sâu và ra hết chất trà. Ngược lại, nếu là trà vụn hoặc bánh trà thì lưới sẽ khít hơn một chút để xác trà không đi theo dòng nước ra ngoài. Hiển nhiên không một ai thích việc uống phải xác trà đúng không?

4. Cách bảo quản bộ ấm tử sa sau khi sử dụng
Sở dĩ khi dùng bộ ấm tử sa càng lâu thì vị trà càng thơm ngon là do vi lượng khoáng trong bình tiết ra và hòa tan vào trà. Muốn vị thăng hoa hơn mỗi lần sử dụng thì bạn phải có bước vệ sinh bộ ấm trà theo đúng quy trình. Tránh để cặn trà cũ bám lâu ngày làm giảm chất lượng ấm và ảnh hưởng vị trà.
Nghe có vẻ hơi phức tạp nhưng các bước làm sạch khá đơn giản mà ai cũng có thể làm được:
- Mỗi ấm nếu có thể chỉ nên pha 1 loại trà, cùng lắm là có chung dòng trà hoặc mùi hương tương tự.
- Không được rửa ấm bằng hóa chất tẩy rửa, sẽ làm hỏng hàm lượng khoáng có trong ấm.
- Dùng khăn xô mềm thấm nước ấm lau nhẹ nhưng nhiều lần, nhất là vị trí thành và đáy ấm.
- Không dùng dụng cụ sắc nhọn để cọ rửa ấm.
- Bảo quản nơi thoáng mát, tránh bụi bẩn và tuyệt đối không bọc kín bộ ấm chén.

Trên đây là những lưu ý cơ bản cho người muốn sở hữu bộ ấm trà tử sa. Nếu bạn muốn có kiến thức sâu hơn về các bộ ấm tử sa, hãy theo dõi TITA Art để cùng cập nhật những bài viết mới hơn nhé. Chúc bạn cùng các đồng trà có những buổi thưởng trà vui vẻ.