Theo dõi chúng tôi trên

Nhữ diêu (lò nung gốm sứ Nhữ) đứng đầu trong “Ngũ Đại Danh Diêu” (Năm lò gốm nổi tiếng) của thời Tống. Nằm bên 2 bờ sông Nhữ (một nhánh của sông Hoàng Hà) tại khu vực Thanh Lương Tự, huyện Bảo Phong, tỉnh Hà Nam ngày nay. Được đặt tên theo tên địa danh Nhữ Châu. Sứ Nhữ nổi tiếng với việc sản xuất chỉ dành riêng cho cung đình. Với phần cốt có màu xám sẫm, rất mịn và chắc, được gọi là “cốt tro hương” (香灰胎).

Khu vực khai thác cốt tro hương Nhữ châu
Phần cốt dày có màu tro hương trong sản phẩm Nhữ diêu của TITA Art

Màu men của sứ Nhữ thường có nhiều sắc thái khác nhau như “thiên thanh (màu xanh trời), thiên lam (xanh lam), đậu thanh (xanh đậu), và nguyệt bạch (trắng ánh xanh). Lớp men rất mỏng nhưng lại óng ánh, bề mặt men thường có những vết nứt nhỏ, gọi là “hoa văn càng cua” (蟹爪纹). Vào thời Bắc Tống, sứ Nhữ được sản xuất để làm cống phẩm cho hoàng gia, nên được gọi là “Nhữ quan diêu” (汝官窑 – lò nung dành riêng cho vua quan, được giám chế bởi triều đình). Thời gian tồn tại của các lò nung này chỉ khoảng 20 năm, và những tuyệt phẩm còn lại rất hiếm. Hiện nay, trên toàn thế giới chỉ có chưa đến 100 hiện vật của Nhữ (thuộc Nhữ quan diêu), và được coi là những bảo vật vô giá.

Ngày nay, khi chúng ta quan sát các sản phẩm Nhữ còn lưu truyền, dù là vật trang trí, đĩa, bình hoa hay các đồ dùng hàng ngày, ta đều có thể thấy một lớp các vết nứt nhỏ giao nhau trên bề mặt. Lớp vết nứt giống như các mảnh băng vỡ này được gọi là “khai phiến” (开片).

 “Khai phiến” có phải là khuyết điểm?

Thời xưa, khi các sản phẩm gốm sứ của lò Nhữ vừa mới ra lò xuất hiện các vết nứt, chúng thường được coi là khuyết điểm trong quá trình nung. Khái niệm “khai phiến” (vết nứt bề mặt men) ban đầu được xem như một loại sản phẩm lỗi trong sản xuất gốm sứ. Đây là hiện tượng mà các nhà chế tác, người sử dụng hoặc những nhà sưu tầm đều cố gắng tránh và không bao giờ xem đó là một yếu tố tạo nên vẻ đẹp cho sản phẩm.

Buổi đấu giá chiếc đĩa rửa bút thời Tống năm 2017 tại Sotheby’s (ảnh sưu tầm)

Tuy nhiên, lò Nhữ lại chủ đích tạo ra các vết nứt khai phiến và coi đó là nét đẹp đặc trưng của Nhữ. Bởi vì màu men của sứ Nhữ rất quý, điều này khiến người ta chấp nhận và dung hòa giữa vết nứt và vẻ đẹp của nó. Theo thời gian, các vết khai phiến này không còn bị coi là khuyết điểm mà trở thành yếu tố thẩm mỹ. Những người thợ gốm sứ đời sau đã nhìn nhận tiềm năng của việc kiểm soát và tạo ra các vết nứt trên bề mặt gốm như một kỹ thuật trang trí. Họ bắt đầu thử nghiệm và dần dần biến các vết khai phiến trở thành một loại hình nghệ thuật, tạo nên nét đẹp độc đáo của sứ Nhữ, trở thành một đặc trưng tiêu biểu được ngưỡng mộ và mô phỏng.

Vẻ đẹp của Sứ Nhữ và khai phiến

Sứ Nhữ theo đuổi cảm giác giống như vẻ đẹp của ngọc, không cần điêu khắc tinh xảo, cũng không cần trang trí phức tạp. Màu men tĩnh lặng mà uyển chuyển, hình dáng giản dị mà trang nhã, cùng với những vết khai phiến thay đổi linh hoạt, tự nhiên mà độc đáo, khiến sản phẩm Sứ Nhữ trở nên đặc sắc và như được tạo hóa khéo léo ban tặng.

Quá trình hình thành “Khai phiến”

Thuật ngữ học thuật của “khai phiến” là “sứ nứt vỡ” (断纹瓷器), chỉ các vết nứt tự nhiên xuất hiện trên bề mặt men của gốm sứ. Hiện tượng nứt này có hai nguyên nhân chính:

1. Trong quá trình tạo hình, đất (nguyên liệu) sẽ được vặn xoắn, uốn nắn theo mong muốn của nghệ nhân dẫn đến sự sắp xếp của các phân tử sẽ không đồng đều.

2. Do sự chênh lệch hệ số giãn nở giữa thân gốm và lớp men. Khi lớp men co lại nhanh hơn so với thân gốm trong quá trình nung và làm nguội, các vết nứt sẽ xuất hiện. Những vết nứt này có thể tiếp tục mở rộng và thay đổi dần dần sau khi sản phẩm ra lò dưới tác động của nhiệt độ và các yếu tố môi trường khác. Quá trình hình thành các vết nứt này cũng liên quan trực tiếp đến độ dày của lớp men.

Đặc điểm của sứ Nhữ

– Màu xanh của bầu trời: sứ Nhữ nổi tiếng với màu thiên thanh. Dưới các điều kiện ánh sáng khác nhau, màu sắc sẽ thay đổi. Khi nhìn dưới ánh nắng, màu sắc sẽ ngả vàng nhạt, giống như bầu trời sau cơn mưa, khi mây tan. Trong bóng tối, màu sắc chuyển sang xanh lam, giống như mặt hồ trong vắt.

– Mịn như ngọc: Bề mặt sứ Nhữ mịn màng, khi chạm vào có cảm giác như tơ lụa, ấm áp và tinh tế. Các vết nứt tinh tế tạo nên vẻ đẹp lung linh, như thể có ngọc quý ẩn hiện.

So với các loại sứ khác như quan diêu (官窑), ca diêu (哥窑), và gốm Long Tuyền (龙泉), độ sáng bóng của sứ Nhữ thấp hơn, chỉ bằng khoảng một nửa so với các sản phẩm của lò gốm Định diêu (定窑). Được hình thành từ việc có đá mã não trong men, nhưng cũng chính điều này tạo nên một đặc điểm độc đáo và hấp dẫn chỉ có ở gốm Nhữ.

Sứ Nhữ có lớp men dày, trong men xuất hiện các bọt khí nhỏ, được người xưa ví như “thưa thớt như sao mai” (寥若晨星). Khi quan sát kỹ bằng kính lúp, có thể nhìn thấy các bọt khí lớn nhỏ được sắp xếp giữa lớp thân gốm và men. Do bột mã não có độ dính cao, nên khi nung, khí trong men và thân gốm không thể thoát ra ngoài, phần lớn bị giữ lại trong lớp men bên dưới.

Mỏng như cánh ve (蝉如翼): Các hoa văn như hoa văn cánh ve, hoa văn càng cua, vân băng nứt, vân lông bò, và vân vảy cá là những đặc điểm dễ nhận thấy trên bề mặt sứ Nhữ.

Trong đó, khai phiến chéo và vân vảy cá là những sáng tạo độc đáo của sứ Nhữ và là một đặc điểm quan trọng của loại sứ này. Các kỹ thuật nung đặc biệt, tính độc đáo và những yếu tố ngẫu nhiên trong quá trình sản xuất đã tạo nên giá trị nội tại và sức hấp dẫn riêng biệt của sứ Nhữ.

Xem thêm các sản phẩm Nhữ diêu TITA Art tại: https://www.tita.art/nghe-thuat-gom-su/nhu-dieu/

Chia sẻ bài viết: share facebook share twitter share linkedin share instagram

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *