Theo dõi chúng tôi trên

Được ôm trọn bởi sông Nhữ, một nhánh của Hoàng Hà, vị trí nằm gần các mỏ mã não với dòng sông là nguồn khoáng góp nguyên liệu bản địa cho các thợ thủ công tại tỉnh hà Nam-Trung Quốc tái tạo được chất men ngọc theo ý niệm của vị hoàng đế cổ về giấc mơ màu thanh lam nhạt, áng theo màu bầu trời sau cơn mưa, các lò nung Nhữ Diêu nằm dọc bên tả ngạn sông về phía Bắc một thời đỏ lửa để chế tác ra dòng gốm tuyệt phẩm ngàn năm có một.

Việc phát minh ra đồ gốm và tiếp theo là gốm sứ tráng men đã là một thành tựu khoa học nổi bật của nền văn minh Trung Hoa cổ. Lịch sử phát triển gốm sứ Trung Quốc là một hành trình dài và đầy ấn tượng, mỗi thời kỳ đều có những đặc trưng nổi bật và đóng góp riêng biệt. Từ thời Hạ, Thương, Chu đến thời Chiến Quốc, thanh từ (清瓷-dụng cụ bằng sứ nung có màu xanh) bắt đầu xuất hiện và phát triển. Đồ sứ được nung từ thời Đông Hán và đến thời nhà Tần đánh dấu sự thống nhất về kỹ thuật và kiểu dáng gốm sứ, nổi bật với loại gốm “Đồ Hán” có men chì màu nâu và xanh lá cây.

Đến thời nhà Đường, ngành gốm sứ phát triển với kỹ thuật nung men cao cấp, nổi tiếng với các loại gốm như sứ Thanh Hoa và Tam Thái. Thời nhà Tống được coi là đỉnh cao của nghệ thuật gốm sứ Trung Quốc, với các sản phẩm nung đạt đến độ tinh xảo hoàn hảo như sứ Thanh Hoa và sứ Men Ngọc. Vào cuối thời Bắc Tống, công nghệ nung Men Ngọc của ngành lò nung Nhữ Châu đạt được những bước tiến cuối cùng của công nghệ nung với Ngũ Đại Danh Diêu: Nhữ Diêu, Quan Diêu, Ca Diêu, Quân Diêu và Định Diêu. Thứ đã làm nên đặc sắc của văn hóa nghệ thuật Tống sứ, được các nhà sưu tập sau này coi là một đóa hoa mỹ kỳ ba, cực kỳ trân quý như những viên ngọc báu của thời đại Tống còn lưu lại đến ngày nay.

“Vũ quá thiên tình vân phá xử

Thiên phong bích ba thúy sắc lai”

Như một ngôi sao băng vụt qua trong lịch sử của gốm sứ Trung Quốc, ngắn ngủi nhưng lấp lánh, gốm Nhữ Diêu được nung trong khoảng thời gian ước chừng 20 năm, hiện tồn tại chưa đến 100 hiện vật hoàn hảo (17 chiếc nằm trong Tử Cấm Thành) tính từ thời Bắc Tống; đồ sứ tráng men xanh được nung từ lò Nhữ đại diện cho trình độ nung men ngọc cao nhất của thời kỳ này.

Kỹ thuật nung tuyệt hảo của đồ Nhữ đã có tác động sâu sắc đến ngành sứ của các thế hệ sau, công nghệ làm sứ của Nhữ Châu chính thức được quy cách chuẩn vào thời Nam Tống. Màu men xám xanh lam hoặc xanh thiên thanh, có màu đục hoặc mờ đục không xuyên thấu (opaque), có ánh tím nhẹ của hoa oải hương hoặc ánh đỏ hồng nhẹ. Chất men như mưa vừa dứt và mây từ từ tan ra trên trời, có ánh ửng hồng xuyên qua, tạo nên vẻ đẹp tinh tế và phức tạp.

Dòng men ngọc này biến thiên theo màu sắc của ánh sáng nơi nó được đặt, điều này có thể lý giải do sự kết hợp của lớp men mã não và cốt màu tro hương của địa chất vùng Hà Nam. Sự giao thoa này tạo nên những tác phẩm gốm sứ độc đáo, tinh xảo và quý giá, được coi là báu vật của thời đại Tống.

Hoa Thị Dương Châu Chủng

Bình Thị Nhữ Châu Diêu

Chú Dĩ Giang Đông Thủy

Xuân Phong Tỏa Nhị Kiều

(花是扬州种,瓶是汝州窑。注以江东水,春风鎖二乔)

Đây là bài thơ đề trong bức “Mặc Thược Dược” của họa sĩ Từ Vị thời nhà Minh, ca ngợi sự tinh túy của hoa và gốm. Hoa từ Dương Châu được xem là đẹp nhất thiên hạ, còn gốm từ Nhữ Châu thì nổi tiếng với chất lượng tuyệt hảo. Khi kết hợp với nước tinh khiết từ vùng Giang Đông và hương thơm của hoa Nhị Kiều, tất cả tạo nên một sự hoàn mỹ không gì sánh bằng.

Hoa từ Dương Châu và bình từ Nhữ Châu đều là những sản phẩm được chăm chút kỹ lưỡng, thể hiện sự tinh tế và tài hoa của người nghệ nhân. Nước từ Giang Đông, trong lành và tinh khiết, làm tôn lên vẻ đẹp của hoa và gốm. Gió xuân phong kín hương thơm của hoa Nhị Kiều, giống hoa mẫu đơn nổi tiếng từ thời Tống, tạo nên một bức tranh hoàn mỹ, đầy sức sống và quyến rũ.

Thiên phong bích ba thúy sắc lai

“Thiên hạ bác vật quán, vô Nhữ giả, nan xưng tận thiện tận mỹ dã”- Lý Khổ Thiền

nhữ diêu tita art

Một vệt xanh trời làm say đắm kim cổ! Nước men trong ngọc, ngậy, xanh lam, ẩm như mây tan của trời mưa, màu băng thanh của nếp chủng phỉ thúy..; họa gia Lý Khổ Thiền, một trong những họa sĩ xuất sắc nhất của cận đại Trung Quốc Họa, đã nhận xét về độ tinh xảo, quý hiếm về cốt cách của Nhữ Diêu; không một bộ sưu tập nào hoàn thiện nếu thiếu sự xuất hiện của gốm Nhữ.

Chất men “vũ quá thiên tình vân phá xử”, hình dáng trang nghiêm, thanh lịch, hào phóng, sắc thiên thanh, nửa lam lại hơi ánh hồng, men trắng như Trăng, ấm như ngọc, mịn như mỡ, tạo nên phong cách độc đáo của dòng men. Trước đó 3000 năm, chưa triều đại nào có thể chế tác dòng men ngọc có màu lục lam thuần khiết như bầu trời bằng lò Nhữ thời Bắc Tống.

Sở dĩ khó thể hiện được màu trời xanh là do thành phần sắt trong men dễ thay đổi, dù men có màu xám hay vàng, xanh lá cây hay xanh lam chúng đều gọi chung là “men ngọc”, bởi nguyên tắc màu sắc của những đồ sứ này đều giống nhau và tất cả chúng đều dựa vào một lượng nhỏ sắt trong men. Nhưng nguyên tố sắt rất dễ thay đổi, khi trong lò đủ oxy thì chuyển sang màu vàng, khi thiếu oxy thì chuyển sang màu xanh lam, khi lớp men dày lên thì trở nên đen, nhiệt độ quá cao lại trở nên tím.

Điều rắc rối nhất khi nung gốm Nhữ Diêu thường có màu xanh lục lúc mới nung xong, chỉ khi thời gian làm nguội thích hợp thì mới dần dần chuyển sang màu xanh lam, cho thấy việc nung ra men xanh trời thuần khiết là rất khó khăn. Khi hạ nhiệt lò nung, điều thú vị nữa xuất hiện là các vết rạn băng, một vẻ đẹp độc đáo trên gốm Nhữ là các vết nứt của nó.

nhữ diêu tita art

Nhữ Diêu thường khá mỏng, gồm hai phần, phần thai gốm và phần men. Lớp men ở bên ngoài thân, giống như một lớp áo đẹp. Giai đoạn cuối của quá trình nung lò đòi hỏi phải làm mát, và hạ nhiệt rất từ từ, cả thai lẫn men đều co lại cùng một lúc. Tuy nhiên, hệ số co giãn của thân và của men là khác nhau. Nếu nhiệt độ giảm quá nhanh, men sẽ co nhanh hơn thân và nứt, đây chính là khuyết điểm.

Nhưng khuyết điểm không có nghĩa là tác phẩm sẽ bị xấu. Người thời nhà Tống cảm thấy những đường nứt không nằm dưới sự kiểm soát của con người và có một “vẻ đẹp tự nhiên” không qua chạm khắc nên họ đã cố tình can thiệp vào quá trình làm nguội của lò gốm (như thổi một chút gió lạnh vào), tạo ra các vết nứt khác nhau, gọi là “khai phiến”. Đặc điểm các vết nứt trên gốm Nhữ Diêu là tầng lớp, trong suốt và lấp lánh, giống như băng trên sông tan nhanh vào đầu xuân, vì vậy nó có một cái tên đầy thơ mộng “băng liệt vân” (đường vân băng xé ra).

Vẻ kiều tráng Nhữ Diêu thời Tống còn nằm ở hình dáng với bốn chữ “Phục Cổ Giản Ước”; nghĩa là theo lối cổ nhưng tinh giản. Phục Cổ bởi vì nhiều hình dáng của gốm Nhữ được mượn từ xa xưa, ví dụ như làm lại những chiếc đỉnh đồng ba chân có từ thời Chiến Quốc với hoa văn chạm khắc rồng, còn Giản Ước thì đỉnh ba chân Nhữ Diêu lược bỏ bớt những họa tiết phức tạp, chỉ tạo ra bảy đường cung song song gọi là Huyền Văn bao quanh đỉnh, tương tự như Thất Huyền Cầm (đàn cổ có 7 dây).

Chiếc đỉnh Nhữ ba chân (tam túc) này gây hứng thú ở chỗ, có rất nhiều đồ gốm thời nhà Tống được trang trí họa tiết bảy dây cung, nhưng chúng làm chiếc đỉnh trở nên cục mịch, như đính lên chiếc đỉnh, còn dây cung trên Nhữ Diêu chỉ nổi lên một chút, như cuộn vào chiếc đỉnh và làm một phần của đỉnh, mờ mờ ảo ảo, mang vẻ đẹp kín đáo.

Ở Trung Quốc có 108 triệu cổ vật được lưu trữ; chỉ có 195 món vì quá quý giá mà bị đưa vào mục “cấm trưng bày di tích văn hóa tại nước ngoài” (cấm chỉ xuất quốc triển lãm văn vật), chiếc đỉnh Nhữ Diêu ba chân nằm trong số đó. Chất men màu xanh tinh khiết; các vết nứt băng tự nhiên; hình dáng cổ điển, đơn giản, tinh tế; ba yếu tố “đẹp” này tạo nên sự nổi danh của Nhữ Diêu suốt lịch sử gốm sứ.

Nhữ Diêu Tita Art

Nhiều hoàng đế, tướng lĩnh và quan đại thần đã say mê đồ sứ Nhữ, trong đó Tống Huy Tông là người đi đầu. Hoàng đế Huy Tông tin vào Đạo giáo và chủ trương sự hòa hợp giữa con người và thiên nhiên, Đạo thuận tự nhiên. Màu men xanh huyền bí, hình dáng đơn giản và trang nhã, kết cấu ngọc bích như băng và khả năng nung khéo léo của gốm Nhữ đã chạm đến tâm hồn của văn nhân đa tài như Tống Huy Tông, triều đại Tống là đỉnh cao của thẩm mỹ.

Đồ sứ Nhữ rất tinh tế và tối giản, nó cực kỳ đơn giản và cực kỳ đẹp. Sự tham gia của giới trí thức vào quá trình sản xuất Nhữ Diêu đã thúc đẩy nội hàm văn hóa của nó. Thứ nhất, sứ Nhữ theo đuổi hiệu ứng của ngọc, biểu tượng cho quân tử và thể hiện sự theo đuổi nhân cách cao thượng của người Tống. Thứ hai, gốm sứ Nhữ hướng tới sự trở lại tự nhiên, phản ánh triết lý sống vô vi của Đạo giáo.

Thứ ba, Nhữ Diêu với màu xanh nhu-mềm, mang lại cảm giác thanh tịnh và yên bình. Những yếu tố này đã làm cho gốm Nhữ trở thành một biểu tượng văn hóa độc đáo, không chỉ đẹp về hình thức mà còn sâu sắc về ý nghĩa, động đến trái tim của những người yêu nghệ thuật và văn hóa.

Xem thêm các sản phẩm Nhữ diêu của TITA Art tại: https://www.tita.art/nghe-thuat-gom-su/nhu-dieu/
Chia sẻ bài viết: share facebook share twitter share linkedin share instagram

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *