Theo dõi chúng tôi trên
Buổi Hoạ trà hội số 1 đã đến và đã đi trong sự yêu mến của những người tham dự và cả những tình yêu mến từ phương xa.
Qua một ấm trà, ta đạt được sự gần gũi, bình đẳng không còn khoảng cách giữa chuyên nghiệp và nghiệp dư, giữa hiểu và không hiểu, giữa biết và không biết, chỉ còn tâm và tâm, giữa bản chân của mỗi người, và tâm ta đã tịnh.
Tâm tịnh, bắt đầu thưởng tranh, khi này tâm ta cảm nhận được sâu sắc tác phẩm hơn, giao thoa tâm thức được sâu hơn với chính người hoạ sỹ, không phải qua quá nhiều tiêu chí khác bên ngoài tác phẩm (như trường phái, danh tiếng, giá tiền, phong cách, kỹ thuật, lịch sử…).
Thưởng tranh xong, giao lưu với hoạ sỹ, có thể hỏi những câu hỏi ngây ngô như những đứa trẻ, có gì vui hơn khi mỗi người lớn đều có thể bỏ hết những ràng buộc của cuộc sống mà coi mình như những đứa trẻ. Ngay cả người hoạ sỹ cũng có thể chia sẻ những điều chân thực nhất về chính mình, không có sự đánh giá, sự phát xét gì ở đây. Mà đơn giản chỉ là một cuộc dạo chơi vậy.
Với khởi tâm mong muốn đưa hoạ sỹ- tác phẩm và người thưởng thức tới gần nhau hơn, qua một ấm trà, TITA mong muốn làm được những gì nhỏ bé nhất cho những người bạn và chính bản thân mình qua một buổi chiều nhỏ, mọi người cùng nhau ngắm tranh, ngắm hoa, thẩm trà, chia sẻ khoảnh khắc và những gì quý giá nhất của mình với nhau.
———
Vài chia sẻ về buổi hội trà- hoạ:
Hội hoạ hiện nay được coi là nằm trong cung điện của những bộ môn nghệ thuật đầy danh giá và cao quý. Thế nhưng ít người biết rằng để đạt được địa vị như ngày nay là sự cống hiến, lao động nghệ thuật nghiêm túc và hi sinh của bao nhiêu thế hệ hoạ sỹ trong hàng ngàn năm mới có được. Trong lúc sự phát triển của hội hoạ giúp địa vị bộ môn này ngày càng cao thì ngược lại, đôi lúc lại làm cho khoảng cách giữa hai thành phần quan trọng nhất của hội hoạ là người sáng tác (hoạ sỹ) và người thưởng thức trong xã hội hiện đại trở nên xa dần hơn.
Rất nhiều tác phẩm mang đầy tâm huyết của người hoạ sỹ, mới chỉ hoàn thành trong phòng vẽ, sau đó xuất hiện một cách ngắn ngủi qua kỳ triển lãm rồi có thể đi vào một tư gia nào đó mà không còn ai nữa được ngắm nữa, bao gồm cả chính hoạ sỹ, và những người tri kỷ.
Những tác phẩm hội hoạ cũng được coi là một thương phẩm (để duy trì cuộc sống cho hoạ sỹ), tài sản đầu tư với người sưu tập( dưới góc độ vật chất), nhưng nên được coi là một tác phẩm thưởng ngoạn mà qua đó người thưởng ngoạn có thể được tương tác, giao lưu tâm thức với người hoạ sỹ tại khoảnh khắc( giai đoạn) sáng tác.
Dưới góc độ của người thưởng thức, khi hội hoạ phát triển rất xa thì nhiều người đã không còn tìm được sợi dây liên kết giữa mình với những tác phẩm nữa, đôi khi là không hiểu, nhưng đôi khi cũng không còn sự giao thoa cảm xúc với chính tác phẩm, và ta sưu tập một tác phẩm thông qua quá nhiều tiêu chí khác bên ngoài tác phẩm đó (như trường phái, danh tiếng, giá tiền, phong cách, kỹ thuật, lịch sử…), mà bỏ qua sợi dây liên kết với chính tác phẩm.
Có biết chăng ta có một cách khác để thưởng thức tác phẩm, là giao lưu với chính tác phẩm, và tác giả sáng tác ra tác phẩm đó, nhẹ nhàng qua một ấm trà, rất hàn lâm nhưng dưới một không khí của sự đời thường, rất nghiêm túc, nhưng không hề xa rời cuộc sống. Và khoảnh khắc mọi người cùng ngắm tranh, qua đó hoạ sỹ có thể chia sẻ những cảm xúc của mình qua tác phẩm, hoặc qua những câu chuyện, còn gì vui hơn khi cùng nhau chia sẻ những khoảnh khắc đẹp đẽ này với những người tri kỷ.
Ở đây trên cùng một bàn trà, trước một bức tranh, tất cả đều bình đẳng, không có ai là chuyên gia, ai là nghiệp dư, mà đơn giản chỉ là sự giao lưu, sự chia sẻ, và tìm sự đồng cảm. Ở đây rất nghiêm túc, nhưng không có đúng sai, đơn giản chỉ là những người cần nhau, gặp nhau, là đủ.