
Kỳ Nam chính là phần gỗ chứa một lượng lớn chất nhựa thơm được sinh ra từ cây Dó Bầu.
Quá trình hình thành của Kỳ Nam cùng với Trầm Hương là tương tự nhau và rất kỳ diệu. Đó chính là quá trình đề kháng, chống đỡ của cây Dó Bầu khi phải hứng chịu các tác động mạnh mẽ từ tự nhiên hoặc bị sinh vật làm bị thương, chẳng hạn như thiên tai gây nứt, gãy cành, bị mục hay chặt đứt, kiến mối đục thân cây làm tổ…Khi cây dó bầu bị thương, vết thương đó phải đọng nước qua một mùa mưa, cây mới bắt đầu tiết ra chất nhựa xung quanh như một cơ chế tự bảo vệ và làm lành vết thương. Vùng gỗ được gọi chung là Trầm Hương ấy sẽ bao gồm cả hai thành phần là Kỳ và Trầm.
Thế nhưng không phải bất kỳ loại cây nào cũng may mắn xuất hiện Kỳ Nam. Trong rừng tự nhiên từ 1.000 đến 1.500 cây mới có một cây có Trầm và từ 10.000 đến 20.000 cây có Trầm mới có một cây có Kỳ Nam.
Kỳ Nam là phần gỗ tích tụ một lượng lớn tinh dầu, màu đen sẫm, đồng thời được một lớp Trầm hơi vàng bao bọc bên ngoài.
Dầu ở Kỳ Nam kết tinh lại nhìn giống như sáp ong, tuỳ theo màu sắc mà người ta chia Kỳ Nam thành bốn loại chính:
– Hắc Kỳ Nam có màu đen, chất cứng.
– Bạch Kỳ Nam mang sắc trắng, mềm và nhiều dầu.
– Thanh Kỳ Nam mang sắc xanh, nhiều dầu thì mềm, ít thì cứng.
– Huỳnh Kỳ Nam có màu vàng tựa sáp ong, chất cứng và nặng, để lâu khô dần trở nên nhẹ.