Theo dõi chúng tôi trên

Chất liệu đất là yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến chất lượng của ấm tử sa, một sản phẩm không thể thiếu trong nghệ thuật trà đạo. Sự khác biệt giữa các loại đất sét được sử dụng để làm ấm tử sa tạo ra những hương vị và cảm nhận khác nhau khi thưởng trà. Cùng TITA Art khám phá đặc điểm của các loại đất tử sa.

1. Tìm hiểu về đất tử sa

Thành phố Nghi Hưng, thuộc tỉnh Giang Tô, Trung Quốc, là một trong những địa điểm nổi tiếng với truyền thống sản xuất gốm sứ lâu đời. Với khoáng sản phong phú và sự phát triển của kỹ thuật gốm sứ trong hơn 5.000 năm qua, gốm Nghi Hưng đã trở thành một biểu tượng văn hóa và nghệ thuật của Trung Quốc. Gốm Nghi Hưng được định hình từ đời Tống-Nguyên, đến đời Minh-Thanh thì phát triển hưng thịnh, trong đó nghệ thuật Tử Sa chiếm một vị trí vô cùng nổi bật, đặc biệt là trong chế tác ấm trà.

Tử Sa là nguyên liệu mà chỉ có thể tìm thấy tại Nghi Hưng, bản chất của nó là đất bùn sét có hàm lượng sắt cao, thường nằm kẹp trong những tầng đất sét thông thường khác, nhưng chiếm tỷ trọng rất nhỏ. Trong sản lượng khoảng 20 ngàn tấn đất sét được khai thác mỗi năm, thì Tử Sa chỉ chiếm khoảng 2% và ngày càng ít đi.

đất tử sa là gì
Các loại đất tử sa được trưng bày.

Quặng Tử Sa chủ yếu được tạo thành bởi mạt vụn đất bùn và các khoáng vật đất sét kết dính nó. Mạt vụn đất bùn chứa nhiều thạch anh và một lượng nhỏ mica trắng, đen và Felspat, Limonit…

Mạt vụn thạch anh phân bố độc lập trong vật kết dính và trở thành khối kết dính cơ bản. Vật kết dính chủ yếu là khoáng vật đất sét, với thành phần chủ yếu là cao lanh cùng với một lượng nhỏ hydromica, sericit, hematit… Các thành phần này kết hợp với nhau tạo ra đặc tính độc đáo của Tử Sa, làm cho nó trở thành một nguyên liệu quý giá và được ưa chuộng trong sản xuất ấm trà và các sản phẩm gốm sứ khác.

Về góc độ chế tác, Tử Sa có nhiều đặc tính quý báu như:

  • Tính mịn, dẻo dai, độ ngậm nước cao khiến tính tạo hình cao.
  • Tính kết dính: Sau khi đất khô có thể giữ nguyên hình dạng mà không rời hay nứt ra, nên có thể đẽo gọt tỉ mỉ hay gắn thêm chi tiết phụ.
  • Phạm vi thiêu kết rộng, chịu nhiệt tốt.
  • Độ co ngót thấp hơn so với đồ sứ.

Về góc độ công năng sử dụng, thì sau khi nung, đất tử sa hình thành hệ thống khí khổng, tạo ra đặc tính thấu khí kép mà không ngấm nước đồng thời giúp cách nhiệt. Bên trong thấu khí giúp hương vị trà bảo lưu, bên ngoài tuy không tráng men nhưng càng tiếp xúc với nước trà thì càng bóng bẩy, mịn màng.

Nhìn chung, những chiếc ấm tử sa không chỉ có công năng tốt, giúp ích cho việc thưởng thức trà mà mỗi chiếc ấm được chế tác kỳ công cũng trở thành một tác phẩm giàu tính nghệ thuật.

2. Các loại đất tử sa phổ biến

Các loại đất Tử Sa phổ biến được sử dụng trong sản xuất ấm trà, đóng vai trò quan trọng trong tạo ra hương vị và cảm nhận khác nhau của trà. Cùng tìm hiểu một số loại đất tử sa phổ biến sau đây nhé.

Đất Tử Sa có thể chia làm 3 loại chính: Tử Nê, Hồng Nê và Lục Nê.

Nghi Hưng là một vùng đất ở Trung Quốc nổi tiếng với tài nguyên đất gốm phong phú. Các loại đất gốm ở Nghi Hưng được phân thành ba nhóm chính: Bạch nê, Giáp nê, Nộn nê. Tử Nê là tầng đất kẹp giữa của tầng Giáp Nê. Trong đó, Tử nê là tầng đầu trong tầng khoáng Giáp nê, sản lượng khá lớn. Lục Nê cũng nằm trong tầng trên của tầng khoáng Tử Sa.

Do số lượng Lục Nê không nhiều, cũng không thích hợp cho việc chế tác các tác phẩm lớn, nên số lượng ấm và đồ Tử sa làm thuần từ Lục Nê rất ít. Đoàn Sơn Nê (hay Đoạn Nê) là nguyên liệu do Tử Nê và Lục nê hỗn tạp cộng sinh mà thành, có thể chế tác các tác phẩm lớn. Hồng Nê thì nằm ở phần đáy tầng khoáng và Nộn nê.

2.1 Tử Nê

Quặng Tử Nê có bề ngoài màu đỏ tím đến tím, đồng thời có các đốm kết tinh mica màu xanh nhạt. Tử Nê sau khi nung có màu tím, nâu tím. Nhiệt độ chịu nung khoảng 1180°C, độ co ngót so với ban đầu khoảng 10-11%.

các loại đất tử sa
Ấm tử sa Hợp Hoan tử nê của nghệ nhân Uông Kiện.

Một số loại đất tử nê đặc trưng: Đế Tào Thanh, Thanh Thuỷ Nê, Lão Tử Nê.

2.1.1 Đế Tào Thanh

Đế Tào Thanh là một loại đất thuộc nhóm Tử Nê. Quặng gốc Đế Tào Thanh có màu tím hồng, trong màu tím có ánh hồng, tồn tại dưới dạng khối chắc, chất đất rắn, đa phần mặt cắt có những đốm “mắt gà” hoặc “mắt mèo” màu xanh xám, đây là đặc điểm nổi trội nhất của quặng đế tào thanh. Những mắt gà này thực chất là đất bản sơn lục nê . Sau khi được nghiền luyện thành bột và làm ấm, những đốm mắt gà trở thành những hạt màu vàng, gọi là “kim sa ẩn hiện”.

Loại đất này có nhiệt độ thiêu kết cao, khoảng 1180 độ C, phạm vi nhiệt nung rộng, từ 1150 độ đến 1250 độ, tính ổn định tốt, tỷ lệ co ngót nhỏ, khoảng 12%.

Căn cứ vào tầng đất, có thể chia làm quặng già và quặng non, quặng càng già thì càng nhiều mắt gà, tính cát cũng gia tăng, đất khá xốp, nhưng chịu được nhiệt cao hơn. Tác phẩm ấm làm từ loại đất này có cảm giác hạt mạnh mẽ, tính thấu khí tốt, cổ điển, nhã nhặn. Với nhiệt độ từ thấp đến cao, nó sẽ thể hiện ra các màu tím hồng, dần đến tím nâu, nâu, tím đen.

các loại đất làm ấm tử sa
Ấm tử sa dáng phỏng cổ của nghệ nhân Trần Bá Cường chế tác từ chất đất Đế Tào Thanh.

2.1.2. Thanh Thuỷ Nê

Khái niệm Thanh Thuỷ Nê từ thời kỳ đầu là chỉ “loại đất nguyên khoáng đơn nhất, không pha trộn những loại đất khác, được nghiền ra và trộn với nước mà thành”. Câu này có nghĩa là, trong thời kỳ đầu, chỉ cần là những loại đất nguyên khoáng đơn nhất không pha trộn, đều có thể được gọi là “thanh thủy nê”. Ví dụ, đế tào thanh cũng có thể coi là thanh thủy nê, lục nê cũng có thể coi là thanh thủy nê. Nếu hiểu theo nghĩa này, thì thanh thủy nê nhấn mạnh vào phương pháp gia công, chế luyện đất, chứ không phải là chỉ cụ thể một loại đất nào.

Một khái niệm nữa của thanh thủy nê, chúng ta có thể tham khảo cuốn “Tử sa hồ điển”: thanh thủy nê chỉ một loại đất nằm trong nhóm tử nê, cũng có thể gọi là “thanh thủy sa”, là một loại quặng tử sa thuần với hàm lượng sắt và mica cao, người làm ấm ở Nghi Hưng cũng gọi là “phổ nê”. Loại đất này nung ra sẽ có nhiều sắc đỏ hơn tử nê bình thường, nhiệt độ nung 1150 – 1180 độ C, tỷ lệ co ngót 12%, càng sử dụng càng đỏ nhuận.

đất tử sa
Ấm tử sa Quả Cà do nghệ nhân Lưu Mạn Mạn chế tác từ chất đất Thanh Thuỷ Nê.

Nếu nói theo khái niệm phương thức luyện đất, thì “thanh thủy nê” chỉ một loại quặng đơn nhất trực tiếp nghiền ra mà thành, không phối trộn với loại quặng khác. Nếu nói theo khái niệm một loại đất, thì “thanh thủy nê chỉ loại đất tử nê thuần không phối trộn, nung ra có nhiều sắc thái đỏ (hồng).

2.1.3. Lão Tử Nê

Vì khả năng chịu nhiệt cao, tính ổn định khi nung tốt, tác phẩm sau nung có đặc tính gần với ấm tử nê thời Minh Thanh, rất cổ kính, nên gọi nó là “lão tử nê”. Đặc tính đất của lão tử nê rất ổn định, dễ nắm độ khô ướt, dễ tạo hình, làm được cả tác phẩm lớn và nhỏ, là một trong các loại đất được thị trường ưa thích. Hàm lượng Al2O3 cao hơn tử nê thông thường, vì vậy phạm vi nhiệt nung rộng, tỷ lệ co ngót nhỏ, khoảng 8%, tính ổn định tốt, nhiệt độ nung phù hợp là 1190 độ.

Màu sắc sau nung chuyển đổi từ nâu đỏ sang tím đen, vì có thể nung ra màu tím đen nên có người gọi nó là “hắc tử nê”, dễ nhầm lẫn với Tử Gia Nê và Hắc Bính Tử Nê. Với tác phẩm làm từ lão tử nê, mới đầu pha thấy khô khan, nhưng sau khi nuôi sẽ thấy mỡ màng, cổ kính, đoan trang, nhã nhặn, thể hiện được phong vị của tử sa, được nhiều người yêu thích.

đất tử sa tím
Ấm tử sa Ngọc Lan nung củi do nghệ nhân Vương Dục Xuân chế tác từ chất đất lão tử nê.

2.2 Hồng Nê 

Hồng Nê có nhiệt độ chịu nung khoảng 1100°C và độ co ngót so với ban đầu khoảng 14%.

Khi khái quát về Hồng Nê người ta chỉ ra rằng có 3 địa điểm chính tồn tại loại đất này: Triệu Trang, Xuyên Phụ và Hoàng Long.

Quá trình nghiên cứu thực tế cho thấy mỏ Hồng Nê tại Triệu Trang và một phần của mỏ Tưởng Lạp – Xuyên Phụ thực chất là cùng một mạch khoáng. Phía nam núi là Triệu Trang, phía bắc núi là Tưởng Lạp Xuyên Phụ. Khi phân tích tính chất đất nhận thấy, Hồng Nê Xuyên Phụ có độ co ngót lớn, nhiệt độ thiêu kết thấp và độ kết tinh cao. Hồng Nê Hoàng Long Sơn chịu được nhiệt cao nhưng màu sẽ không tươi như đất Xuyên Phụ. Đất Hồng nê Hồng Vệ ở Tưởng Lạp hạt nhỏ, ít và mức độ phân tán lớn, tan được trong nước thành dung dịch sệt mịn, do đó khả năng tạo hình sẽ cao hơn so với Hồng Nê Hoàng Long Sơn.

Khả năng tạo hình cao của đất Hồng Nê sẽ ảnh hưởng tới khả năng chịu vỗ đập khi tạo hình của đất (tức là đất có hạt mịn, dễ nắn, bóp, nặn kéo nhưng lại không chịu được vỗ đập nhiều khi tạo hình). Do tính chất này mà Hồng Nê không thích hợp làm các ấm lớn. Đồng thời, do loại đất này dễ thiêu kết trong quá trình nung, ảnh hưởng tới tính thấu khí của nó, dẫn tới thời gian nuôi ấm sẽ kéo dài hơn so với những loại ấm Tử Sa khác.

loại đất tử sa
Ấm Ngọc Bình tiểu Hồng Nê do nghệ nhân Tưởng Ngũ Bách chế tác.

2.2.1. Chu Nê

Vào thời Minh Thanh, Chu Nê thuộc vào phạm trù của Hồng Nê, không có tên riêng. Đến thời Dân Quốc, trong cuốn “Dương Tiện Sha Hồ Đồ Khảo” bắt đầu nhắc đến “Chu Nê”, nhưng không có sự phân tách rõ rệt với Hồng Nê. Từ năm 1949 đến nay, trình độ công nghiệp hóa trong khai thác đất phát triển, khiến số lượng và quy mô khai thác mở rộng, để phân tách đất, người chơi ấm gọi loại ấm có phẩm chất tốt, màu sắc tươi sáng trong đất hồng nê gọi là ấm chu nê, những chiếc còn lại gọi là ấm Hồng Nê.

Chu Nê có kết cấu cát bột, rời rạc và nặng, tan trong nước. Hàm lượng Oxit sắt trong Chu Nê cao hơn Hồng Nê, nên ấm Chu Nê thường có màu sắc đậm đà hơn.

Nếu so với những loại tử sa khác, tỷ lệ co ngót khi để khô và nung của Chu Nê cao, Hồng Nê thường có độ co ngót 13%, độ co ngót tổng thể của Chu Nê hơn 17%, thậm chí đến 25%.

Sau khi đã trở thành ấm thành phẩm, độ kết tinh của chu nê cao, bề ngoài đẹp, tiếng đanh như tiếng kim loại, bề mặt cắt của mảnh vỡ gần như đồ sứ (độ sứ hóa cao), vẫn có tính thấu khí nhất định. Sự thay đổi màu của ấm chu nê khi nhiệt độ thay nóng lạnh thay đổi đột ngột là rất rõ, khi có nước sôi, màu ấm sẽ đậm lên, càng hồng nhuận hơn, khi đổ nước nóng đi, ấm sẽ trở về màu cũ rất nhanh.

các loại đất tử sa
Ấm Thủy Bình chu nê – nghệ nhân Ưng Tuấn Phong.

2.2.2. Đại Hồng Bào

Nguyên khoáng chu nê Hoàng Long Sơn, đập vụn, lọc ra quặng vàng, trắng, đen, đỏ. Lấy đỏ, gọi là Đại Hồng Bào, số lượng vô cùng ít. Vì vậy về bản chất Đại Hồng Bào chính là Chu nê Hoàng Long Sơn. Do có hàm lượng oxit sắt cao nên khi tiếp xúc với nước, da ấm ửng đỏ hơn.

đất tử sa nghi hưng
Ấm tử sa Qua Thú do nghệ nhân Ưng Tuấn Phong chế tác từ chất đất Đại Hồng Bào.

2.2.3. Chu Nê Tiểu Môi Diêu

Chu Nê Tiểu Môi Diêu là một loại đất Chu Nê quý hiếm. Do tỷ lệ co ngót lớn (30%) và hàm lượng bùn cao nên đất sau khi nung sẽ có bề mặt nhăn tự nhiên, tạo thành vân chảy. Ngoài ra, khi nung thì chất đất này cũng rất dễ biến dạng nên tỷ lệ nung thành công khá thấp.

đất tử sa
Ấm tử sa Lê hình tam túc do nghệ nhân Vương Dục Xuân chế tác từ chất đất Chu Nê Tiểu Môi Diêu.

2.3. Lục Nê 

Lục Nê phần lớn được tìm thấy ở Hoàng Long Sơn thị trấn Đinh Thục – Nghi Hưng, còn có tên “Bản Sơn Lục Nê”. Quặng gốc có màu xanh lục nhạt, sau khi nung ra có màu vàng tươi (ở nhiệt độ thấp), hoặc vàng nâu (nhiệt độ vừa phải) hoặc màu đồng ánh xanh (nhiệt độ cao).

Lục nê là tầng đất kẹp trong tầng khoáng tử nê, lúc có lúc không, lúc liền mạch lúc đứt đoạn, chỗ dày cũng không quá 1 mét, chỗ mỏng chỉ được hơn 10cm. Chỉ có thể khai thác kèm loại này khi khai thác quặng tử nê, lượng quặng của nó khá ít.

Các chất trong lục nê gồm có hydromica, thạch anh, mica trắng, cao lanh, một lượng ít oxit sắt và các chất hữu cơ.

Sự khác biệt lớn nhất giữa lục nê và hồng nê, tử nê là trong quặng lục nê chứa rất ít sắt, và sắt tồn tại ở trạng thái ion, nên quặng mới có màu xanh lục. Hàm lượng Titan trong lục nê khá cao, nên sau khi nung nó có màu vàng sữa.

Lục nê được chia làm tầng đất sát và tầng đất kẹp, cũng được chia làm lục nê nhạt, đậm, thanh, xám, mặc. Nếu tầng quặng sát bên dưới lớp Quartzit (Long Cốt) thì hàm lượng thạch anh khá nhiều, thành phần kết dính ít, tính thấu khí cực kỳ tốt, nhưng nhiệt độ thiêu kết khá cao, dễ nứt, tỷ lệ thành phẩm thấp. Nếu quặng kẹp giữa lớp tử nê (nê trung nê) thì hàm lượng thạch anh khá ít, thành phần kết dính nhiều, tính thấu khí khá kém nhưng nhiệt độ thiêu kết thấp, không dễ bị nứt, tỷ lệ thành phẩm cao.

Do số lượng không nhiều, sản phẩm lục nê lớn không dễ nung, vì vậy phần nhiều lục nê được dùng để làm những sản phẩm nhỏ. Nếu trộn thêm màu có thể dùng làm loại đất trang trí, phần lớn dùng để trang trí lên bề mặt phôi tử nê.

Một số loại Lục Nê tiêu biểu: Bổn Sơn Lục Nê, Chi Ma Lục Nê, Mạc Lục Nê.

2.4. Đoạn Nê

Đoạn Nê, hay có tên khác là Đoàn Nê, bởi lẽ có một ngọn núi nhỏ ở Hoàng Long Sơn tên là “Đoàn Sơn”, và loại đất được tìm thấy ở ngọn núi này, được gọi là “đất Đoàn Sơn”.

Đoạn nê của Hoàng Long Sơn chủ yếu phân bố giữa tầng Lục nê và Tử nê, là một loại quặng cộng sinh giữa Lục Nê và Tử Nê, cùng có đặc tính của Lục Nê và Tử Nê.

Do ảnh hưởng của điều kiện địa chất và điều kiện hình thành quặng, Đoạn Nê ở những khu vực quặng khác nhau, lớp quặng khác nhau sẽ có phẩm chất và tính chất khác nhau. Sự khác nhau trong tỷ lệ đất, nhiệt độ nung và số lần nung sẽ khiến màu sắc của thành phẩm khác nhau. Các tác phẩm đoạn nê khó nung, nếu nung không đạt, sẽ dễ nứt hoặc khó mang lại màu sắc đẹp.

đất tử sa tím
Ấm Lê Hình Đoạn nê của nghệ nhân Vương Dục Xuân.

Nhiệt độ nung của đoạn nê thường cao hơn hồng nê và thấp hơn tử nê, rơi vào 1170~1200 độ C. Hàm lượng sắt trong đoạn nê thấp, thường khoảng 2%. Nếu sắt cao hơn 2% thì màu sẽ vàng đậm hơn.

Màu sắc sau nung của đoạn nê biến đổi từ màu vàng nhạt sang màu vàng đỏ, vàng đậm, nâu vàng. Đoạn nê nhóm bạch nê vì có lượng sắt thấp nên nung ra có màu xám trắng, có chiều hướng thay đổi sang màu xám, màu xám ánh xanh; những loại đất như mễ hoàng đoạn hay bổn sơn lục (cũng thuộc nhóm bạch nê này) vì hàm lượng sắt phù hợp nên màu sau nung là màu vàng nhạt, chiều hướng thay đổi là vàng nhạt – vàng – vàng đậm – vàng ánh xanh; một số loại đất đoạn nê trong nhóm cộng sinh vì khá gần tầng tử nê, thậm chí xuất hiện rải rác trong lớp tử nê, nên chịu ảnh hưởng sâu sắc của tầng đất tử nê, lượng sắt khá cao, màu sắc sau nung có thể ánh hồng nhạt, thay đổi sang màu nâu, màu nâu vàng, người ta cũng gọi đây là lão đoạn nê.

Trên đây là toàn bộ thông về chủ đề “Các loại đất tử sa” mà bạn có thể tham khảo.  Qua bài viết này, hy vọng bạn đã tìm thấy những thông tin hữu ích về đất tử sa. Nếu bạn có bất kì thắc mắc nào về chủ đề này hãy liên hệ với TITA Art theo thông tin bên dưới để được tư vấn chi tiết nhé!

Thông tin TITA Art

  • Địa chỉ: BT2 dãy 16A8 Làng Việt Kiều Châu Âu, Phường Mộ Lao, Quận Hà Đông, Thành phố Hà Nội, Việt Nam
  • SĐT: 0964989664
  • Website: https://www.tita.art
Chia sẻ bài viết: share facebook share twitter share linkedin share instagram

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *